HƯỚNG TỚI ÁP DỤNG LINH HOẠT PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY MONTESSORI

Chương trình giảng dạy bao gồm: thực hành kỹ năng sống, rèn luyện hoạt động các giác quan, rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức chung về toán.

1. Thực hành kỹ năng sống
Trẻ thực hành và tích lũy các kỹ năng cơ bản thông qua các hoạt động thường nhật như tự chăm sóc bản thân, phụ giúp công việc nhà; là bước khởi động trong việc xây dựng tính tự lập ở trẻ. Đồng thời, trẻ phát triển kỹ năng vận động, phối hợp giữa các bộ phận, hoàn thiện các chuyển động nhỏ rất cơ bản cho việc tập viết sau này. Kỹ năng sống còn bao gồm kỹ năng giao tiếp, hợp tác và sự độc lập, tính kỹ luật, sự tập trung… Đó là những kỹ năng nền tảng cho quá trình học ở trẻ.
 
                                                  
2. Hoạt động qua các giác quan
Ngay từ nhỏ trẻ đã phát triển khả năng sắp xếp và hệ thống các sự việc hiện tượng xung quanh chúng theo một trật tự nhất định. Những học cụ trong lĩnh vực này cho trẻ trải nghiệm để nhận biết sự phân biệt giữa những thứ giống và khác nhau. Mỗi bộ học cụ nhấn mạnh một yếu tố khác nhau như màu sắc, hình dạng, kích thước, họa tiết, nhiệt độ, âm lượng, cao độ, khối lượng, mùi vị…Hệ thống từ vựng mô tả như lớn/nhỏ, dài/ngắn, nhám/nhẵn, vòng tròn, hình vuông, hình hộp…sẽ luôn song hành cùng trẻ trong lĩnh vực cảm quan.
                                               
 
 
  3. Ngôn ngữ
 

Maria Montessori cho rằng không nên tách rời việc dạy đọc, viết, phát âm trong việc dạy ngôn ngữ cho trẻ. Phương pháp Montessori tạo nên một chương trình bài bản để hỗ trợ khả năng ngôn ngữ của trẻ thông qua các hoạt động như bài hát, trò chơi, đọc thơ, truyện, các loại card…

 

Các bài tập trong lĩnh vực thực tế cuộc sống và lĩnh vực phát triển giác quan đã gián tiếp trang bị cho trẻ những nền tảng cần thiết để tập viết sau khi các khớp ngón tay, bàn tay đã uyển chuyển, cứng cáp. Các kỹ năng vận động được phát triển song hành cùng với khả năng phân biệt các âm tiết khác nhau để hình thành từ ngữ. Trên nền tảng này, giáo viên mới bắt đầu giới thiệu các chữ cái và cách phát âm cho trẻ. Trong phương pháp Montessori, trẻ không những nghe và nhìn thấy các chữ cái mà còn cảm nhận được chúng qua các ngón tay tiếp xúc với chữ cái in trên nền giấy nhám. Các chữ cái có thể di chuyển được một cách dễ dàng, tạo điều kiện cho trẻ tự tạo lập nên từ ngữ mới, cụm từ mới, câu mới hay thậm chí cả một câu chuyện.Sự sáng tạo được khuyến khích và trẻ ngày càng thích thú với những điều mới lạ trong thế giới của ngôn ngữ.

 

                   

 

  4. Toán

Toán học trong Montessori là một điểm nhấn vô cùng tuyệt vời. Không có gì lấy làm ngạc nhiên khi bạn thấy trẻ trong độ tuổi 4-6 thực hiện được các phép tính cộng trừ, nhân, chia tới hàng nghìn (bao gồm cả các phép tính có nhớ và không nhớ). Toán học trong Montessori là tối ưu về phương pháp khi có một hệ thống đào tạo Toán học ưu việt theo một quá trình từ 2,5 tuổi đến 6 tuổi. Hệ thống các bài học về Toán trong Montessori đi từ đơn giản đến phức tạp, từ cụ thể đến trừu tượng, nhưng trên tất cả là rất thú vị, làm cho trẻ hứng khởi và không có cảm giác Toán học khô khan hay khó tiếp thu.

Những bài học đầu tiên giúp trẻ quen với các chữ số là các bài học về gậy số học bằng các thanh số học để so sánh về lượng của các số, sự hơn kém một cách cụ thể và khá đơn giản, giúp trẻ tư duy về số căn bản đầu tiên. Bài học về chữ số bằng cát giúp trẻ nhận biết được hình dạng của các số bằng cảm giác sờ số, vẽ lại số, làm tiền đề cho bài học viết số. Và hàng loạt các bài học khác trong hệ thống chuỗi Toán học Montessori được xây dựng theo một lịch trình khoa học cho trẻ bắt đầu từ 2,5 tuổi khi bắt đầu làm quen với Toán học trong trường đến lúc hoàn thành Khóa học tại trường. Sau khi hoàn thành tốt Khóa học trẻ sẽ có một nền tảng Toán học cực tốt khi bước chân vào học phổ thông.

                                    

 
 
     5. Nghệ thuật và thủ công

   Môn học này cũng giúp trẻ phát triển bán cầu não phải, kích thích trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và có đánh giá tốt về nghệ thuật.

  Nghệ thuật - bên cạnh những lĩnh vực khác trong lớp học Montessori - cung cấp cho trẻ một nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai. Thông qua nghệ thuật, trẻ được khám phá, sáng tạo, thể hiện và phát triển bản thân. 

Các khả năng về nghệ thuật của trẻ là vô tận và phát triển dần trong quá trình học tập, làm việc và giao tiếp với thế giới tự nhiên và xã hội. 

Hội họa là một trong những phương diện căn bản và thông dụng cho sự phát triển của trẻ về tính thẩm mỹ và sự sáng tạo.